Cách nhận biết và phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Bệnh Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Vi rút này có sức đề kháng cao, tồn tại lâu trong môi trường, đặc biệt là trong máu, các cơ quan và dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh hoặc đã chết do bệnh này.
Hình ảnh lợn bị bệnh
Lợn bị nhiễm Dịch tả lợn châu Phi thường có các triệu chứng như: ủ rũ, bỏ ăn, mắt đỏ, đi lại khó khăn, thân nhiệt cao, thích nằm ở nơi râm mát hoặc gần nước; tai, vùng bụng và bẹn có thể ửng hồng, cùng một số triệu chứng khác. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có thuốc điều trị, do đó bà con cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh để bảo vệ đàn lợn.
Hình ảnh lợn bệnh tại hộ dân
Để phòng bệnh, người chăn nuôi cần chú trọng thực hiện các biện pháp sau:
- Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn lợn. Khi phát hiện lợn có dấu hiệu ốm hoặc chết bất thường, cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cán bộ thú y cấp xã để được hướng dẫn các biện pháp xử lý kịp thời.
- Không vứt xác lợn bừa bãi ra môi trường, ao hồ, sông suối.
- Vệ sinh chuồng trại hằng ngày; phát quang bụi rậm xung quanh để xua đuổi côn trùng truyền bệnh.
- Định kỳ tiêu độc, khử trùng bằng thuốc sát trùng; rắc vôi bột tại các lối vào khu vực chăn nuôi, cống rãnh, nơi thoát nước thải.
- Tiêm phòng đầy đủ vắc xin Dịch tả lợn châu Phi cho đàn vật nuôi.
- Nhập lợn giống có nguồn gốc rõ ràng, từ các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
- Hạn chế người lạ ra vào khu vực chuồng trại.
- Tiêu độc, khử trùng kỹ các phương tiện, dụng cụ và con người khi ra vào khu vực chăn nuôi.
- Các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản và nhập sản phẩm động vật phải đảm bảo rõ nguồn gốc, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.